NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | VẺ ĐẸP NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM QUA NHÂN VẬT NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI

Ngày 13/06/2021 23:11:48, lượt xem: 10070

Đề bài: Anh/chị hãy phân tích câu chuyện của người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu). Từ đó, hãy bình luận về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thể hiện qua nhân vật này.

 

 

Bài làm
Văn chương chân chính là văn chương vì người, phục vụ người, văn chương ấy: “Ra đời trong những buồn vui của loài người và sẽ ở lại với loài người cho đến ngày tận thế”. Nói như Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam”, văn chương ấy phải mang giá trị nhân đạo sâu sắc bởi nhà văn cũng chính là nhà nhân đạo. Những cây bút chân chính bao giờ cũng sáng tác dưới ánh sáng của tình cảm nhân đạo ấy. Thạch Lam từng giãi bày: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch”. Còn Nam Cao lại đưa ra quan điểm một tác phẩm văn học có giá trị: “Phải vượt lên mọi bờ cõi và giới hạn, nó ca ngợi tình thương, bác ái, sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn”. Với Nguyễn Minh Châu truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” đã cho độc giả thấy được câu chuyện của người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện - một câu chuyện mà người ta thấy được trong đó là đủ đầy vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.


Nguyễn Minh Châu là một tác gia tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Là cây bút đi tiên phong cho quá trình đổi mới văn học như nhà văn Nguyên Ngọc từng ca ngợi: “Nguyễn Minh Châu thuộc trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay”; ông luôn ý thức về ngòi bút của mình, luôn trăn trở, tìm tòi, đổi mới cách viết cũng như phát hiện những điều mới mẻ, có ý nghĩa trong cuộc sống để thể hiện. Là cây bút có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, cuộc sống của những người lính ngoài chiến trường cũng như cuộc sống của những người dân chài sau chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã dựng lên một bức tranh góc cạnh có chiều sâu, có sức khái quát cao về cuộc sống đa diện, nhiều chiều luôn vận động và phát triển. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Minh Châu trong chặng đường văn học thời kỳ đổi mới. Truyện xoáy sâu vào bức tranh hiện thực của đời sống người lao động thuyền chài ở một vùng ven biển miền Trung. “Chiếc thuyền ngoài xa” được tác giả viết vào năm 1983, lúc đầu được in trong tập “Bến quê”, sau đó có vinh dự được nhà văn dùng để đặt tên cho cả tập truyện ngắn xuất bản năm 1987.


Truyện kể về chuyến đi thực tế của nghệ sĩ nhiếp ảnh tên Phùng tại vùng biển miền Trung để chụp ảnh làm lịch nghệ thuật. Một buổi sáng, Phùng đã chụp được bức ảnh “trời cho”, đó là ảnh của một chiếc thuyền lưới vó trong buổi bình minh sương sớm. Cùng lúc ấy, Phùng phát hiện ra câu chuyện kì lạ về gia đình hàng chài sống trên chiếc thuyền ấy: người đàn bà bị chồng đánh đập tàn nhẫn với thái độ cam chịu. Đó không phải là lần duy nhất bạo lực diễn ra trong gia đình này. Bởi vậy, người đàn bà hàng chài đến tòa án huyện theo lời mời của chánh án Đẩu, người có ý định khuyên bảo, thậm chí đề nghị người đàn bà khốn khổ ấy từ bỏ lão chồng vũ phu. Nhưng người đàn bà đã từ chối sự giúp đỡ, chị chịu đau đớn, đánh đổi bằng mọi giá để không phải bỏ chồng. Câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện là câu chuyện về sự thật cuộc đời. Nó giúp những người như Phùng, Đẩu hiểu được nguyên do của những điều tưởng chừng vô lí.


Bề nổi của câu chuyện, tác giả Nguyễn Minh Châu đem lên trang truyện hình ảnh một người đàn bà nhọc nhằn, lam lũ: “người đàn bà trạc ngoài 40, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt, khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt, dường như đang buồn ngủ”. Vất vả là vậy nhưng gia đình lại không mấy yên vui, cứ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, người chồng vũ phu. Bạn đọc, cũng giống như Đẩu và Phùng đã rất thương cảm trước tình cảnh nhẫn nhục, cam chịu của chị. Mọi người đều muốn khuyên nhủ và giúp đỡ chị nhưng tất cả những gì nhận về lại là sự phản đối, cầu xin không bỏ chồng. Hình dáng “mụ ngồi ghé vào mép ghế và cố thu người lại” càng khiến cho Phùng, cho Đẩu, và cho người đọc một nỗi ám ảnh khó bỏ. Tuy nhiên chỉ một lát, “người đàn bà lại lúng túng và sợ sệt”. Có lẽ cuộc sống của chị quá nặng nề, quá thê lương trong những năm qua.


Nhưng về sau, trong mong muốn từ chối sự giúp đỡ của mọi người, người đàn bà đã kể lại câu chuyện về cuộc đời mình và gián tiếp giải thích lí do vì sao chị nhất quyết không thể bỏ lão chồng vũ phu. Giọng điệu sắc sảo, phong thái chững chạc từng trải bất ngờ thể hiện trong dáng vẻ của người đàn bà này càng kích thích trí tò mò của những người có mặt tại đó. Nhưng giây phút ấy không lâu, người đàn bà lại trở về với vẻ lúng túng và sợ sệt, mong muốn được chia sẻ nhiều hơn. Và mụ bắt đầu kể câu chuyện về cuộc đời mình, đồng thời cũng là mở cánh cửa nhận thức và chiêm nghiệm cho mỗi chúng ta.


Từ nhỏ đã mang ngoại hình xấu xí: bị rỗ mặt, bị lên đậu mùa, lớn lên gặp được người con trai cục tính nhưng hiền lành, mở đầu cho câu chuyện là những kỉ niệm có phần hạnh phúc, người đàn bà thâm trầm và chững chạc hơn. Lắng nghe câu chuyện của chị, cả Đẩu và Phùng đi từ bất ngờ, phẫn nộ sang cảm thương, xúc động. Suy cho cùng, sự nhẫn nhịn, chịu đựng của chị đều vì con, vì cái gia đình nhỏ này cần có người chèo chống lúc biển động, phong ba. Chị hiểu cơ cực của của cuộc sống mưu sinh đầy cam go trên biển nếu không có người đàn ông: thuyền ở xa biển, cần một người đàn ông khỏe mạnh, biết nghề. Đối với chị, các con chính là cuộc sống, là lí do để chị sống tiếp. Khi thằng con trai chị xăm xăm con dao trên tay định xông vào khi chứng kiến cảnh bố đánh đập mẹ. Chị đã nhanh tay ôm lấy nó, khóc lóc van xin nó đừng làm ra chuyện có lỗi với đạo lí. Chị hy vọng nó đừng đi vào vết xe đổ của cha. Chị thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau khi bị chồng đánh, chị xem điều ấy là lẽ đương nhiên, bình thường của cuộc sống đầy cam go. Trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khỏe mạnh và biết nghề, và quan trọng hơn tất cả vì những đứa con của chị cần được sống và lớn lên. Vì thế, chị chấp nhận mọi thứ, nhận hết vào mình bao đau đớn về thể xác, nhận hết những gì vất vả và tủi cực trong tâm hồn. Tình yêu thương của người mẹ dành cho đàn con chính là sức mạnh để người đàn bà ấy nhẫn nhục: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được”.


Không chỉ hy sinh tất cả vì con cái, người đàn bà ấy con bao dung, thấu hiểu cho chồng mình. Khi tòa án đưa ra giải pháp li dị, chị đã từ chối. Chị nhận hết cái sai về mình. Chị cho rằng do mình đẻ nhiều, do nghèo đói, do áp lực lên chồng chị mới như vậy. Chị giải thích chồng mình khi xưa từng là một người hiền lành chăm chỉ, do hoàn cảnh nên mới trở nên hung bạo, vũ phu. Chính cuộc vật lộn mưu sinh đã biến lão trở thành kẻ vũ phu, thô bạo. Ta thấy trong khổ đau triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt chiu được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”, “trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”. Niềm vui ấy không phải xuất phát từ những giá trị vật chất, cũng không phải niềm vui riêng cá nhân của người đàn bà mà đó là niềm vui của một người mẹ, người vợ. Chỉ cần con cái hạnh phúc là chị cũng cảm thấy hạnh phúc. Những điều tưởng chừng bình dị ấy – bữa cơm no, tiếng cười vui vẻ của lũ trẻ lại là những điều mà người đàn bà khát khao và dù niềm vui chỉ “có lúc” nhưng cũng đủ để người đàn bà chấp nhận cam chịu những đòn roi. Bởi chị không chỉ sống cho riêng mình mà còn sống vì con. Đó là nguyên nhân mang tính chất quyết định cho việc bà nhất mực không đồng ý ly hôn với chồng. Ẩn sau sự cam chịu ấy là tâm hồn của một người mẹ với biết bao tình yêu, sự hi sinh đáng nể.


Trong câu chuyện của mình, người đàn bà không đứng trên phương diện của người dân – chính quyền mà chị đứng trên phương diện của kinh nghiệm và sự từng trải: “các chú đâu phải người làm ăn …cho nên các chú đâu có biết cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc …”, “bởi các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”. Ta thấy người phụ nữ ấy còn là người từng trải, sâu sắc. Chị không còn xưng hô “con – quý toà” mà tự xưng là “chị” và gọi Phùng, Đẩu là “các chú”. Nguyên nhân của sự thay đổi ấy là vì chị đã cảm nhận được thiện ý của hai người và có lẽ còn là sự cảm thông của chị cho góc nhìn còn phiến diện của họ. Giờ đây người đàn bà đã bỏ đi sự sợ sệt khúm núm mà chuyển sang tâm sự chuyện đời mình.


Câu chuyện đã giúp chánh án Đẩu hiểu về người đàn bà hàng chài - một phụ nữ nghèo khổ, nhẫn nhục, sống kín đáo, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, có tâm hồn đẹp đẽ, giàu đức hi sinh và lòng vị tha; về người chồng của chị - vì nghèo đói bất lực nên bất kể lúc nào thấy khổ quá là lôi vợ ra đánh; về nghệ sĩ Phùng - sẵn sàng làm tất cả vì sự công bằng nhưng lại đơn giản trong cách nhìn nhận, suy nghĩ và về chính mình - có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lí nhưng kinh nghiệm sống chưa nhiều. Trước khi nghe câu chuyện của người đàn bà, thái độ của anh rất cương quyết. Anh tin ở lời khuyên đúng đắn và đầy sức thuyết phục của mình: “chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu”. Nhưng khi nghe xong câu chuyện “một cái gì đó vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ”. Có lẽ giải pháp “bỏ chồng” mà Đẩu áp dụng trong trường hợp của người đàn bà này là không ổn. Trong hoàn cảnh ấy, cách hành xử của chị ta dường như là không thể nào khác.


Cũng như Đẩu, nghệ sĩ Phùng im lặng sau câu chuyện của người đàn bà. Hẳn rằng, người nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đang trầm ngâm suy nghĩ những gì vừa xảy ra. Lúc này, Phùng vỡ ra được nhiều điều. Người đàn bà thất học, quê mùa không hề cam chịu một cách vô lí, không hề nông nổi một cách ngờ nghệch mà thực ra chị ta là người rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Trong khổ đau, cơ cực, chị biết chắt chiu từng giọt của hạnh phúc đời thường. Chị luôn sống với tâm niệm thiêng liêng là: “sống cho con chứ không thể sống cho mình”. Chánh án Đẩu là người có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lí nhưng còn xa rời thực tế, chưa thực sự đi vào cuộc sống nhân dân. Lòng tốt là điều rất quý, luật pháp là điều cần thiết nhưng cả hai vẫn chưa đủ sức mạnh giúp con người thoát khỏi cuộc sống tăm tối và những hành động man rợ. Tất cả phải đặt vào hoàn cảnh cụ thể và cần phải có giải pháp thiết thực. Phùng nhận thấy mình đã đơn giản khi nhìn nhận cuộc đời và con người. Cũng như người đồng đội Đẩu, anh chỉ nhìn người một cách phiến diện, nông nổi ngây thơ chẳng khác gì thằng bé Phác: chỉ thấy được một khía cạnh của người đàn ông hàng chài là độc ác, tàn nhẫn, vì vậy cần phải đấu tranh, lên án. Trong khi đó, người đàn bà quê mùa, xấu xí, thất học lại có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn. Đối với người đàn ông độc ác, dữ dằn, chị đau đớn nhưng không oán hận vì chị thấu hiểu nguyên nhân sâu xa nguyên nhân dẫn đến hành động vũ phu ấy, bởi xét đến cùng, anh ta cũng chỉ là một nạn nhân của hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Tuy là nạn nhân của nạn bạo hành nhưng người phụ nữ ấy đã để lại cho người đọc không chỉ niềm thương cảm về số phận bất hạnh mà còn là sự cảm phục sâu sắc và đức hi sinh.


Từ câu chuyện của người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện, ta thấy thấp thoáng trong hình ảnh người phụ nữ ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam. Chị hiện lên với những vẻ đẹp phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam: chịu thương, chịu khó, cam chịu, nhẫn nhục, một lòng một dạ vì chồng, vì con, hi sinh hạnh phúc của mình để đổi lấy hạnh phúc gia đình; chắt chiu hạnh phúc mong manh nhỏ nhoi để làm động lực cho cho cuộc hôn nhân không mấy êm đẹp, thấu hiểu và cảm thông cho chồng khi phải vất vả chèo chống một nhà đông con, hiểu hoàn cảnh gia đình nên không đòi hỏi gì cho mình,... Khám phá và khắc hoạ vẻ đẹp của người phụ nữ, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thể hiện niềm tin vào phẩm chất của con người dù trong hoàn cảnh khốn cùng nhất. Cách phát hiện, miêu tả những phẩm chất đẹp đẽ của người đàn bà hàng chài gợi trong ta nhiều bài học về cách nhìn con người, đồng thời cũng bồi đắp ở ta thái độ yêu thương, quý trọng hơn tấm lòng, sự hi sinh của những bà những mẹ trong cuộc sống hàng ngày. Hình ảnh người đàn bà hàng chài không đẹp đẽ về ngoại hình nhưng chính chị lại là viên ngọc quý – là một hạt ngọc bị khuất lấp trong sự lấm láp lem lũ của cuộc sống mà Nguyễn Minh Châu hằng tìm kiếm.


Tóm lại, qua câu chuyện về cuộc đời của người đàn bà hàng chài và cách ứng xử của các nhân vật, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi đến người đọc thông điệp: đứng nhìn cuộc đời, con người một cách đơn giản, phiến diện; phải đánh giá sự việc, hiện tượng trong các mối quan hệ đa diện, nhiều chiều. Từ nhân vật người đàn bà làng chài, người đọc như được nhìn thấy cuộc đời của biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại. Dù rơi vào hoàn cảnh nào cũng chịu thương, chịu khó, nhẫn nhục, hi sinh. Sẽ còn ám ảnh rất lâu trong tâm trí đọc giả về hình ảnh tấm lưng bạc phếch, ánh mắt cam chịu hay nụ cười hạnh phúc khi nhìn những đứa con. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm không chỉ niềm cảm thương, xót xa cho số phận con người bị mà còn thể hiện niềm tự hào cũng như sự trân trọng với những vẻ đẹp tâm hồn cao quý dù “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

 

Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN

ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan